(CTTĐT) - Sáng ngày 24/02, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 tổ chức phiên họp thứ 3 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 02 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng các Sở, ban, ngành liên quan tham dự phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết, đến nay, đã có 52/52 địa phương hoàn thành việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn Chương trình MTQG; 34/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép; 30/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; 28/52 địa phương đã ban hành một số văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý, đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; 29/52 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt tổ chức thực hiện vốn và giải ngân vốn các Chương trình MTQG. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 03 Hội nghị thúc đẩy tiến độ triển khai 03 chương trình MTQG; 05 cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng chính sách quản lý, điều hành và giao kế hoạch vốn; 01 Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực Đông bằng sông Cửu Long.
Trong tháng 2/2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 03 Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trân Lưu Quang làm Trưởng đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế và Hội nghị trực tuyến với các địa phương tại các vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình MTQG, đến ngày 31/12/2022, lũy kế giải ngân vốn đầu tư phát triển trên 9 nghìn tỷ đồng, đạt trên 37% kế hoạch. Đến hết tháng 1/2023, ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, đạt trên 57% kế hoạch, dự kiến đến hết 31/12/2023, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài thời hạn giải ngân theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kết quả giải ngân vốn địa phương, đến hết tháng 12/2022, đã giải ngân 92,9% kế hoạch. Dự kiến hết quý I năm 2023, các địa phương phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023, đến hết 31/1/2023 có 14 địa phương đã giải ngân trên 312 tỷ đồng, ước đến 28/2/2023, có 17 địa phương giải ngân với trên 545 tỷ đồng.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, về giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025: UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn là 1.863.653 triệu đồng, cụ thể: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 1.206.881 triệu đồng trong đó: CTMTQG xây dựng nông thôn mới: 352.400 triệu đồng; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 459.867 triệu đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững: 394.614 triệu đồng). Ngân sách tỉnh đối ứng: 288.005 triệu đồng. Ngân sách cấp huyện, cấp xã đối ứng: 368.767 triệu đồng.
Về giao kế hoạch và giải ngân vốn năm 2022: UBND tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ: 346.760 triệu đồng trong đó: CTMTQG xây dựng nông thôn mới: 117.250 triệu đồng; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 93.550 triệu đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững: 135.960 triệu đồng. Ngân sách tỉnh đối ứng: 14.000 triệu đồng. Ngân sách cấp huyện, cấp xã đối ứng khoảng 30.000 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân được 162.877/346.760 triệu đồng vốn NSTW, đạt 47% kế hoạch, ngân sách địa phương đã giải ngân 100%. Đồng thời đã giao chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp 03 CTMTQG năm 2022 với tổng số vốn là 108.904 triệu đồng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với các ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành tại Phiên họp và yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải hoàn tất việc sửa, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trước ngày 31/3.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2023 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy định khung, văn bản quản lý, điều hành, giúp các địa phương có đầy đủ căn cứ tổ chức triển khai thuận lợi các chương trình này. Các nhiệm vụ trọng tâm khác phải hoàn thiện trong quý I bao gồm việc hoàn tất ban hành các văn bản hướng dẫn còn nợ; sửa đổi, bổ sung những nội dung còn xung đột, chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn đã ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 phải được thực hiện trên nguyên tắc "tháo gỡ tối đa" những nút thắt, điểm nghẽn cho các địa phương; theo hướng phân cấp tối đa cho các địa phương chủ động, linh hoạt; nội dung văn bản phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với các địa phương, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ít nhất 5 lần lưu ý phải hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, thậm chí gây rủi ro về công tác cán bộ. Các địa phương tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn được giao theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể; rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi giao cho cấp xã làm chủ đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đề xuất từ cơ sở, qua đó giúp cho việc tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân.
Tại phiên họp