(CTTĐT) - Sáng ngày 17/11, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội nghị Triển khai dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (dự án 8), giai đoạn 2021-2025. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; lãnh đạo Hội LHPN tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Hội LHPN các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà; đại diện UBND, Hội LHPN 18 xã, đại diện 71 thôn vùng triển khai dự án.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần nhằm thúc đẩy chăm sóc phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, những người còn chịu thiệt thòi, rào cản của xã hội, thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng và phát triển cộng đồng.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các xóm, xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.
Căn cứ các Kế hoạch, Hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng 11 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; Giám sát và phản biện xã hội; Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; Giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Hội LHPN tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng và ban hành kịp thời 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Dự án; Xây dựng kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm tới các tới các ban ngành và địa phương; Nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ các ban ngành liên quan, Hội LHPN các huyện tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Dự án tại địa phương…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Ánh Tuyết phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Ánh Tuyết, cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số & miền núi là Chương trình mục tiêu quốc gia mới so với giai đoạn trước, trong đó Dự án 8 có nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ quan trọng, là những vấn đề không mới nhưng cần có cách tiếp cận và giải pháp thực hiện mới, sự đồng lòng, quyết tâm của các đơn vị và các địa phương để nâng cao hiệu quả các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh mong muốn các đơn vị, địa phương có sự thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm; chia sẻ, cập nhật tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trên cơ sở đó cùng nhau thảo luận các giải pháp phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thảo luận các giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các hoạt động của Dự án năm 2022.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 17/11 - 18/11/2022.
Toàn cảnh hội nghị